Người Việt Odessa
Chia sẻ cộng đồng

Cộng đồng người Việt tại Anh tưởng nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Chủ nhật, 06/10/2013 | 12:52
Dù đã sẵn sàng tâm thế từ mấy năm nay bởi ai cũng hiểu quy luật của tạo hóa, nhưng cộng đồng người Việt ở Anh vẫn bàng hoàng khi nghe tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần. Sống xa quê hương hàng vạn dặm, họ lặng lẽ hướng về nguồn cội và thắp nén tâm nhang để tưởng nhớ một người con ưu tú đã làm rạng danh dân tộc Việt Nam với bè bạn năm châu.

Cộng đồng người Việt tại Anh tưởng nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại buổi tiếp thân mật các thiếu nhi đến thăm tại tư gia, ngày 7/5/2004,

nhân kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Ảnh: Đình Trân - TTXVN

Dù là kiều bào hay du học sinh, mỗi người Việt Nam ở Anh đều trang trọng lưu giữ trong trái tim mình một ký ức rất đẹp về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Với họ, hình ảnh Đại tướng hiện lên thật gần gũi, thật bình dị, như một người ông, người bác trong gia đình. Và giờ đây, khi nghe tin ông mất, họ đã rơi lệ như một lẽ tự nhiên...

Trào dâng niềm xúc động

Vẫn gọi Đại tướng bằng hai tiếng "Bác Giáp" thân thương, chị Nguyễn Thị Thanh Hương - một Việt kiều ở Godalming (Anh) bàng hoàng khi nhận tin dữ để rồi sau đó quặn thắt trong tim với cảm giác chông chênh, hụt hẫng như vừa mất đi một người thân yêu nhất. Với chị, Đại tướng thật hiền hậu và nhân từ, luôn mang lại cảm giác đầm ấm và chở che. Từ chiều 4/10, chị đã lên mạng Internet, đọc hết bài này đến bài khác về Đại tướng, vừa đọc vừa khóc, nước mắt chẳng ngừng rơi, trào dâng niềm xúc động với nỗi nhớ thật khó nguôi ngoai trong lòng.

Hơn 10 năm sống xa quê và trở thành người “dân tộc thiểu số” ở nơi mình cư trú, nhưng chị vẫn luôn tự hào mỗi khi bè bạn nhắc đến Việt Nam với Hồ Chí Minh, với Võ Nguyên Giáp - những tên tuổi đã làm nên huyền thoại, làm rạng danh đất nước. Đến bây giờ, chị không tin và không muốn tin rằng Đại tướng đã ra đi về cõi vĩnh hằng, khiến hàng triệu trái tim lặng buồn. Chị nghẹn ngào như đang gửi gắm tâm sự về quê hương: "Cháu nhớ bác. Cháu muốn về nhà. Cháu muốn bác đừng mất. Bác ơi, bác sẽ mãi là một vị tướng vĩ đại nhưng rất gần gũi trong lòng chúng cháu".

Cùng chia sẻ tâm trạng với chị Thanh Hương, bạn Võ Hiển - Chủ tịch Hội Trí thức Trẻ Việt Nam tại Anh (VietPro) thật sự bàng hoàng khi nghe hung tin, dẫu vẫn biết rằng Đại tướng đã ở vào tuổi "xưa nay hiếm". Không chỉ có báo chí trong nước, mà truyền thông quốc tế đã đưa tin rất sâu rộng và chưa từng thấy về Đại tướng. Điều đó chứng tỏ rằng đức độ và tài năng của Đại tướng được cả thế giới ngưỡng mộ và kính trọng. Còn đối với Đặng Tất Dũng - nghiên cứu sinh ngành luật tại Đại học Leeds: "Tin Đại tướng từ trần đã mang đến cho tôi và nhiều bạn bè niềm tiếc thương sâu sắc, dẫu biết rằng sinh tử là quy luật thường tình".

Nguyện viết tiếp bản trường ca quyết thắng

Theo Tất Dũng, cuộc đời Đại tướng với những chiến công hiển hách và tấm lòng vì nước, vì dân luôn là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay và mãi mãi về sau. Không chỉ là một vị tướng tài ba trong thời chiến, Đại tướng còn như một người ông rất gần gũi với thanh niên thông qua những chia sẻ đầy tâm huyết về lý tưởng sống. Mỗi lần may mắn được gặp Đại tướng, được lắng nghe Đại tướng nói chuyện là mỗi lần các bạn trẻ Việt Nam được soi rọi lại chính mình để sống sao cho có ích. "Ông ra đi, nhưng chắc chắn những bài học từ ông vẫn còn mãi với tôi và rất nhiều du học sinh khác", Tất Dũng chia sẻ.

Đó chính là bài học về lòng yêu nước, về nỗ lực giữ "lửa" trong tim để luôn có được tinh thần quyết thắng, vượt qua mọi gian lao và thử thách, phấn đấu học tập thật tốt. Đó còn là việc rèn luyện cho mình lối sống giản dị, hòa đồng và cầu tiến bộ. Và hơn tất thảy, đối với mỗi du học sinh và kiều bào, đó còn là sứ mệnh gìn giữ và phát huy những giá trị truyền thống của dân tộc để hình ảnh Việt Nam luôn tỏa sáng trong mắt bè bạn quốc tế như Đại tướng đã từng làm. "Chúng cháu cảm ơn ông - một cuộc đời đầy ý nghĩa", Tất Dũng như đang bộc bạch niềm tâm sự.

Trong khi đó, theo Võ Hiển: "Bản thân mình và thế hệ các bạn trẻ sinh ra sau chiến tranh học hỏi được rất nhiều từ tấm gương của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đó là tính kỷ luật và kiên định. Đó là tinh thần "Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa…", dám nghĩ dám làm. Đó là cống hiến hết mình cho đất nước. Giờ đây, Võ Hiển vẫn nhớ câu thơ của nhà thơ Tố Hữu mà ngày trước được học dưới mái trường: "Nếu lịch sử chọn ta làm điểm tựa, vui gì hơn làm người lính đi đầu".

"Dường như, câu thơ này là dành cho bác - người lính đi đầu và là vị đại tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Lịch sử Việt Nam đã chọn Võ Nguyên Giáp là một điểm tựa. Và tôi nghĩ rằng thế hệ trẻ Việt Nam cũng đã có một điểm tựa vững chắc để hướng tới tương lai và cống hiến cho sự phát triển của đất nước", Võ Hiển khẳng định.

Lê Phương (Pv TTXVN tại London).