Tôi quay đi che vội dòng nước mắt sắp trực rơi khi cô nhân viên nhận gửi hành lý tại sân bay Nội Bài xem hộ chiếu và hỏi :
- Cô bay đi Ukraina? Đến điểm nóng nhất ư !
- Đúng cháu ạ,nơi ấy đang được coi là điểm nóng nhất thế giới đó !
Không dấu nổi vẻ mặt ái ngại và cảm thông của cô nhân viên vì họ hiểu ngoài an toàn của chuyến bay, tôi còn đến cái nơi mà ít ai muốn đến, vì ở đó mọi mối nguy hiểm đang rình rập chúng tôi, nhưng quê hương thứ hai của cộng đồng người Việt chúng tôi nơi ấy là cả gia đình, là tất tật cái gì đã gắn bó cùng chúng tôi chí ít trên dưới ba chục năm nay.
Ở bên ấy, chúng tôi đã hình thành một cộng đồng người Việt đi chợ Tây, buôn bán với cả châu Âu, thôi thì đủ các loại mặt hàng, đủ các gương mặt Việt đã sống ở "gầm trời" này vài chục năm nay, cuộc sống ban đầu các thành viên đa phần là bộ đội Cụ Hồ phục viên và đi xuất khẩu lao động, rồi thiết lập gia đình, rồi tái định cư nơi xứ người, công việc là buôn bán nhỏ lẻ và các công ty. Với thời bình đã khó, lúc đất nước Ukraina xảy ra chiến tranh còn khó gấp vạn. Đầu tiên đâu phải chiến tranh chỉ là bất đồng và tiêu diệt lẫn nhau, nó ảnh hưởng trước hết là đồng tiền bản địa và các đồng tiền khác thi nhau "lướt ván" đội dòng chảy lên đỉnh thác lũ nhanh đến chóng mặt, nó giống như câu chuyện "Bia mộ đen" của một nhà văn Đức nói về sự trượt giá của các đồng tiền châu Âu với thế chiến thứ hai là người dân ở các nước chiến tranh và lây lan chiến tranh đều phải khoác nặng một bị tiền ra chợ cũng chỉ đủ mua một cái bánh mì mà thôi...
Với chúng tôi, nỗi buồn của người xa xứ còn là thứ nhẹ tênh so với mất giá thảm hại của đồng gờ ríp na trên đô la Mỹ .Hôm qua chưa chiến tranh thì nó đủng đỉnh, diệu vợi, bây giờ chiến tranh đến thì nó trở thành"thủ phạm cầm cái" đánh hết lượt từ tổng thống đến dân Uk, dân ngụ cư, dân du lịch với sự biến ảo theo cơn đau "chảy máu trong" do mệnh giá "trượt, lướt, đâm và chém" xuống xã hội từng ngày, từng giờ: Từ chỗ năm 2013 chỉ có 8 trăm gríp ăn 100 đô la Mỹ thì giá năm ngoái trượt lên đến mức 2.9 ngàn grip ăn một trăm đô la Mỹ,năm nay càng bùng phát, sáng đã lên giá 3.2 ngàn, chiều lên tiếp 3.7 ngàn, thậm chí có ngày chạm gần 4.0 ngàn, đến mức nhân dân phải biểu tình đòi cách chức thống đốc ngân hàng nhà nước, phải điều trần trước quốc hội để ngăn chặn "cơn chém giết của đồng tiền". Người ta nói chiến tranh sẽ làm tiền bị sốt "phát ban", sau đó chẳng cần bàn, nó dẫn đến sự "ngừng thở" đầu tiên của các doanh nghiệp, rồi đến các hệ thống phân phối lại của mức lương xã hội và sản xuất hàng hóa, tận cùng là người dân lao động và cộng đồng chợ búa như chúng tôi thì chỉ còn nước "giãy đành đạch" từng giờ từng phút, khi mà hàng hóa ế ẩm dẫn đến thiếu thốn, mất ổn định mức thu nhập gọi là "thất thu" đã gõ cửa từng gia đình người Việt và không riêng chúng tôi những người bạn hàng khác như người Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ... đều chung một hoàn cảnh.
Nhiều gia đình phải khẩn trương thay đổi cách sống, hay ta quen gọi là "tổ chức lại cuộc sống và các sinh hoạt sống". Cụm các gia đình có mức sống thấp đã phải di chuyển cả nhà hoặc di chuyển con cái về nước, cụm trung bình thì "co lại tài sản" với mức bán lỗ gấp 10 lần giá đầu tư các "công" hàng tại chợ. Còn cụm khá giả đôi chút cũng méo mặt chạy dọc, chạy ngang khắp các nước hàng xóm để tìm ra "cái chân trời mới"... Ngồi buồn tính sổ sinh hoạt thì ai cũng nói bên này thức ăn và thực phẩm rẻ lắm, nhưng đâu phải thế, đâu còn nữa, bởi các loại tiền đang tiêu ở Uk đã "đánh sập" các chi tiêu định mức, như chính người dân Uk cũng không đủ tiền để mua các thứ thức ăn giá rẻ .
Ngay như các buổi chiều ở Làng Sen chúng tôi, cứ giờ đã định, tôi ra bỏ rác lần nào cũng bắt gặp mấy người dân bản xứ đang lúi húi bên thùng rác để lượm những thứ cộng đồng loại đi, người bản xứ còn vậy thử hỏi cộng đồng mình làm sao dễ sống? Thông thường thấy họ, tôi rút cho họ mấy đồng bạc lẻ mà họ đã cúi gập người cảm ơn …thế đó khó khăn do chiến tranh thì người nước ngoài và người sở tại là một.
Tháng tư sắp hết, trời vẫn mưa rét nhiều, tôi đi chợ cóc,gặp hai vợ chồng ông bà già run rẩy đứng bán mấy bó rau tươi do họ tự trồng, tôi mua tất cả nên ông bà mừng rơn, khi bà lão lấy tiền trả lại, bàn tay bà run run lần vào trong ví, bỗng rơi ra một gói giấy chỉ bằng chiếc sim điện thoại, tôi cúi xuống nhặt lên giúp bà, bà giở ra chỉ có một nửa viên thuốc tây, vậy mà bà cụ rối rít nói:"Tao mất nửa viên thuốc hạ huyết áp này thì cái chết sẽ đe dọa tao ngay, cám ơn mày, cám ơn mày!". Tôi không khỏi chạnh lòng vì đời sống xuống cấp của người dân Uk đã buộc tôi phải để ý, phải nhớ đến quê hương Việt Nam xưa bảo nhau "thắt lưng buộc bụng", câu chuyện này mà về nước nhà kể lại chắc không ai tin nổi vì chẳng ai nghĩ “Tây mà khổ thế ư ? “…Chiến tranh mà…
Câu chuyện trên chỉ là ví dụ một góc khuất nhỏ đời thường chả thấm vào đâu với nhiều người dân vùng Donbass …. Chính chúng tôi, mỗi thành viên cộng đồng Việt đang phải chịu đựng gian khó của chiến tranh, vì mọi thứ đến quá nhanh và làm đảo lộn hoàn toàn cuộc sống của chúng tôi nơi đây, từ việc làm ăn bị thất thoát thậm tệ, nạn trấn lột và cướp bóc ngoài đường phố cũng diễn ra từng ngày …đến mức cộng đồng phải họp liên tục để phổ biến cho bà con không đi lại tản mạn, nên đi thành nhóm, nếu có sự cố xảy ra ở đâu đó trong thành phố Odessa thì sử dụng các liên lạc nóng để cấp báo khẩn...Nói vậy là Odessa của chúng tôi ít vướng bom đạn hơn các thành phố khác, nhưng sinh hoạt mọi sắc dân vẫn lâm cảnh chiến tranh của nước sở tại. Gần ba chục năm nơi xứ người, đây là lúc chúng tôi khó khăn nhất, nhưng nhìn lại thấy tình đoàn kết và đùm bọc vẫn y nguyên là cái đáng mừng của cộng đồng người Việt Nam.
Cái nhân, cái nghĩa của người Việt ta có được như vậy cũng nhờ thói quen truyền thống quê hương: "lá lành đùm lá rách". Không những thế, thói quen này cũng tạo ra niềm tin cộng đồng đoàn kết bên nhau để hướng về đất nước, xây dựng quê hương và quan trọng nữa là khắc phục các khó khăn hiện hữu hôm nay và chúng tôi tự thấy mình cần phải sống, phải tin vào ngày mai sẽ tốt hơn.
Bởi vậy lãnh đạo cộng đồng người Việt ở Odessa đã phát động tổ chức kỷ niệm ngày chiến thắng 30 tháng 4, hòa bình thống nhất đất nước Việt Nam, những tiết mục "cây nhà lá vườn" để vun vào ngày vui đất nước ."Tiếng hát át chiến tranh" có lẽ nó chỉ đúng với người Việt Nam ở Uk trong thời điểm này , đây chính là lúc bà con chung tay đoàn kết, biết dẹp bỏ mọi khó khăn chốc lát để làm khuây khỏa chính mình và tạo rộng niềm tin trong cộng đồng, dù sao chúng ta vẫn hát không giới hạn bởi lứa tuổi nào … "Tiếng hát át chiến tranh" đã tạo ra sức mạnh đoàn kết và chia sẻ tinh thần đùm bọc bên nhau như chúng tôi đã coi nơi đây là quê hương thứ hai :"Vui thì không muốn xa,buồn thì không nỡ bỏ".Vì đất nước này đã cho chúng tôi cơ hội đổi đời và nuôi con ăn học trưởng thành, giúp đỡ thân nhân và quê hương nước nhà,nên dù có khó khăn đến đâu chúng tôi vẫn thầm cảm ơn người dân Uk này.
Ngày 30/4 bốn mươi năm về trước đất nước thân yêu của chúng tôi cũng mới "chui" ra khỏi chiến tranh, cũng những người lính năm xưa ấy sau khi hoàn thành nghĩa vụ, chúng tôi sang Tây để làm kinh tế, ai ngờ hơn hai mươi năm sau lại gặp … chiến tranh nơi xứ người, có lẽ sự chai sạn của chiến trường đã làm nên người lính với bản chất “không gian khổ nào quật ngã được", dù đất nước bạn có khó khăn đến đâu đi nữa thì chúng tôi,tất cả cộng đồng này luôn dõi theo đội văn nghệ vẫn tự tin miệt mài tập rượt để có được buổi liên hoan kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng Miền Nam thống nhất Tổ quốc, chương trình rất gây ấn tượng .
Đúng ! chẳng ai hát được lúc buồn,ấy vậy mà những con người nơi đây cũng bằng da, bằng thịt ,hàng ngày phải vắt từng giọt mồ hôi để buôn bán kiếm tiền trang trải cuộc sống gia đình, nuôi con ăn học,cũng những con người ấy đi qua mưa nắng tháng năm đã ngoài bốn mươi, năm mươi,có người tóc đã điểm muối tiêu, vậy mà vẫn hồn nhiên cất cao tiếng hát để đưa cộng đồng chúng ta được quay về hồi ức chiến tranh Việt Nam năm xưa, để nhớ, để biết ơn các anh hùng đã ngã xuống vì hòa bình của tổ quốc. Và sau chiến tranh đã cho ta một lần để so sánh cái thời khó khăn của đất nước với cuộc sống cam go của chúng ta hôm nay cũng do chiến tranh.
Hình ảnh 30 tháng 4 năm nay, các "nghệ sĩ" cộng đồng người Việt ở Odessa đã làm sống lại một ký ức lịch sử .Nhưng bạn biết không ? cái tính nhân văn trong nghệ thuật ấy vô tình đội văn nghệ đã truyền cảm sức mạnh rất lớn đến cộng đồng nơi đây,đó là lý do cho ta "nghĩa tình văn nghệ, đạo lý sống đời" vẫn đang tồn tại trong“Tiếng hát át chiến tranh",vì hơn ai hết lúc bĩ cực nhất con người luôn phải nghĩ sẽ có hồi thái lai.
Cảm ơn các bạn trong đội văn nghệ đã vượt lên trên mọi khó khăn để đem lời ca tiếng hát đến với cộng đồng một cách đầy nghĩa lý, giá trị tinh thần và niềm tin lạc quan. Tất cả việc làm và hành động của chúng ta là duy nhất và đặc biệt là tình cảm đối với quê hương đất nước.Tôi tin và rất tin người Việt mình sẽ cùng nhau đứng lên, cùng nhau đoàn kết xây dựng thành trì vững chắc ngay từ trong lòng của mỗi chúng ta.
Bạch Dương