Người Việt Odessa
Chia sẻ cộng đồng

Bếp của đàn bà là Nhà của đàn ông

Thứ sáu, 24/04/2015 | 03:45
Một ngôi nhà ấm áp, tôi nghĩ không gì khác hơn là có một căn bếp được nổi lửa thường xuyên.

Bếp của đàn bà là Nhà của đàn ông

Các cụ ngày xưa cứ bảo: "Ôi dời, đàn bà thì chỉ lo chuyện bếp núc chứ gì nữa". Tức là công việc chính của phụ nữ là thức dậy mỗi bình minh, đi chợ và chọn lựa những thực phẩm tốt nhất và phù hợp nhất, rồi cả ngày đi ra đi vào loanh quanh với việc chuẩn bị đầy đủ các bữa ăn cho cả gia đình. Rồi có những gia đình đông con, việc chuẩn bị cơm nước thời ấy cũng không chỉ đơn giản là ra chợ mua về nấu nướng, phụ nữ phải mất cả buổi đi hái rau, mò cua bắt ốc để có đủ cái ăn cho một ngày. Họ không có thời gian cho những việc khác, chứ không phải là không làm được những việc khác. Thế là từ đời này sang đời khác người ta bảo với nhau: "Đàn bà cả ngày trong bếp". Tôi nghĩ cụ ngoại tôi đã làm thế, bà ngoại tôi cũng đã làm thế, mẹ tôi cũng 90% đã làm thế. Và nhìn xem những gì đã xảy ra: Chưa có người đàn ông nào đi ra khỏi được căn bếp của họ. Đành rằng tôi biết mỗi thời đại khác nhau sẽ quẳng vào con đường hôn nhân của chúng ta đủ chướng ngại vật khác nhau nhưng điều quan trọng nhất cho mọi hành trình, ở bất cứ giai đoạn nào là: cái bụng phải no. 

Bếp của đàn bà là Nhà của đàn ông

Thiết nghĩ, chuyện giữ chân đàn ông bằng một căn bếp đỏ lửa chẳng phải là câu nói trừu tượng ẩn dụ gì cho lắm. Các cụ có sao nói vậy đấy. Hỏi 10 người đàn ông thì cả 10 ông thích ăn ngon. Ngày đều đặn 2,3 bữa cung cấp cho họ đồ ăn tử tế, có khi đầu óc các ông ấy đi mây về gió tận đâu nhưng cái dạ dày thì chắc chắn nhớ lối về nhà. Cứ đến giờ ăn thì tiếng réo của cái dạ dày mãnh liệt hơn tiếng gọi của con tim ngàn lần. Ấy là sự đòi hỏi tự nhiên của cơ thể, là đồng hồ sinh học được lập trình đều đặn và là "công cụ" phục vụ việc kiểm soát các đức ông chồng của chị em phụ nữ mà chẳng cần mang bất kỳ lý thuyết đạo đức và bài học trách nhiệm nào ra để giảng dạy các đức ông chồng, mà mục đích chung - duy nhất - cuối cùng các chị muốn đạt được đều là : Gọi chồng về nhà.
Chính vì thế, Bếp luôn được xem là không gian đặc biệt để cả đàn ông và đàn bà thể hiện tình yêu với chính cái dạ dày và cuộc sống của mình. Bếp là trái tim của mọi ngôi nhà. Là nơi đàn bà cần mẫn giữ lửa và lí do cho đàn ông trở về sau mỗi ngày làm việc. Sở dĩ từ xưa đến nay, chuyện phong thủy nhà bếp luôn được đặt lên hàng đầu trong kiến trúc và nội thất, rồi đến sự tích Ông Công Ông Táo cũng chẳng phải vô tình mà dân gian xem họ là thần Bếp giữ lửa của mỗi gia đình, hàng năm lên trời báo cáo về đủ thứ chuyện xảy ra trong gia đình suốt 365 ngày qua. Chỉ cần ở trong Bếp thôi là đủ biết sức sống của ngôi nhà ấy ra sao, lửa trong bếp là hơi ấm quan trọng nhất duy trì sự sống cho cả phòng khách, phòng ngủ, từ trong nhà ra đến ngoài sân... Một ngôi nhà ấm áp, tôi nghĩ không gì khác hơn là có một căn bếp được nổi lửa thường xuyên.
Tôi rất thích nhìn những căn bếp cũ của các cụ ngày xưa, khói ám đen trên tường vách, nồi niêu xoong chảo đáy đã đen xì treo chen chúc, mọi loại gia vị được bày hết trên bàn, hoặc gác lên bếp hong khô dùng dài ngày, bát đĩa xếp thành chồng trên giá gỗ cũ kỹ hoặc nhiều khi chỉ là úp tất cả vào chiếc rổ xảo. Tôi thích đặt chân vào đến cửa nhà là ngửi thấy mùi thức ăn, tôi thích nghe tiếng xèo xèo của dầu nóng. Tôi thích những mẩu vụn bánh vương vãi khắp nơi vì trẻ con vừa ăn vừa chạy nhảy. Có lẽ Bếp là không gian duy nhất tôi không thích dùng từ "tinh tế". Bếp là phải hào phóng và bề bộn vì nó  hoạt động suốt ngày, phải ngổn ngang và chắp vá vì phụ nữ hàng ngày không ngừng việc bổ sung dụng cụ nấu nướng. Mọi thứ phải trong tầm mắt, trong tầm quờ tay. Hay nói thẳng ra là "Trong tầm kiểm soát".


Tác giả: Chúy