Ngày xưa, hồi còn làm cảnh sát hình sự, có những đêm bố tôi về nhà rất muộn, cái áo đầy máu, trên người găm nhiều mảnh thủy tinh và có nhiều vết xước. Bố bảo vừa qua một trận bắt bớ… Nhiều ngày sau, bố tôi vẫn còn lo bị nhiễm HIV vì trận vật lộn đó. Ngày ấy, và cả nhiều ngày sau, bố vẫn có một niềm tin vững chắc rằng mình đang chiến đấu để bảo vệ chính cái nồi cơm nhà mình… Để con cái mình lớn lên không vướng cảnh nghiện ngập và không lo trộm cướp.
Ngày xưa, có chú nhà báo hay đi theo bố tôi để viết bài về tội phạm ma túy. Chú nhà báo hay khoác vai tôi và bảo “theo nghề rồi sau này cứ viết lại những chuyện bố cháu kể, chẳng cần đi đâu xa xôi”. Nhưng vốn lẽ “bụt chùa nhà không thiêng”, vả lại, những chuyện bố tôi kể tôi cũng cái nhớ cái không, rồi cũng rơi rụng dần theo vòng quỹ đạo bị phá bung ra bởi khát khao “tự do” của một đứa trẻ nông nổi. Nên dù tôi đã theo nghề báo nhưng chẳng theo chân bố được chuyến nào, cũng chẳng viết được câu chuyện nào từ ông.
Ngày xưa, hồi còn đi bắt án ma túy. Có nhiều lần bôi tôi về nhà thở dài thườn thượt, cầm tập hồ sơ mà mắt ngân ngấn nước. Ông bảo: “họ phạm tội, nhưng không xấu, chỉ vì họ nghèo quá!” Ông nói thêm, nhà đấy có 5 miệng ăn, nhưng cả nhà chỉ còn một đấu gạo, mua cho bọn trẻ con mấy quả xoài mà từ đứa lớn đến đứa chưa mọc đủ răng đều mút chùn chụt như chết đói… Có người cha, người mẹ nào có thể làm ngơ khi thấy con mình đói?
Ngày xưa, chú nhà báo có lần còn xin đi theo ra pháp trường để xem tử hình một trùm ma túy có tiếng thời bấy giờ. Sau lần ấy, thấy chú nhà báo ít bông lơn hơn và chuyển hẳn sang viết về văn hóa. Giữa lằn ranh sống chết, người ta không phải trải qua, nhưng việc chứng kiến nó cũng khiến họ sang chấn ít nhiều.Rồi đến một ngày, một ngày mà mái tóc đã ngả màu sương gió, bố tôi chỉ đăm chiêu, dặn tôi: “Đợi đến công bằng thì còn lâu lắm”. Đó là trước ngày tôi chính thức đi làm, thực sự bước chân ra khỏi “vùng an toàn” - sự che chở của gia đình để lẫn lộn vào dòng đời náo loạn ngoài kia.
Chú nhà báo đã bỏ nghề viết lách, thỉnh thoảng lại đến uống rượu với bố tôi. Chú không còn hay chuyện trò tếu táo nữa, chỉ hay cười. Họ “cạch cạch” từng chén rượu rồi trầm tư nói với nhau những câu chuyện đời. Họ cười buồn, ranh giới giữa thiện – ác trong con người quả rất mong manh. Và họ đã nhìn ra được nhiều điều chỉ mang danh cái thiện…
Tôi tin rằng có ngọn lửa nào đó vẫn còn âm ỉ trong hai con người đã mãn thời cuộc ấy, tuy rằng họ đã rẽ sang một con đường khác. Họ đã chiêm nghiệm, đã tỉnh thức hoặc đã an nhiên chấp nhận. Nhưng ngọn lửa ấy đã một thời thắp sáng những ước mơ của tôi và giờ lại khiến tôi nhớ về mà cay sống mũi.
Đào Thu Trang