Người Việt Odessa
Chia sẻ cộng đồng

“Đồng tiền chưa đi liền với khúc ruột”

Thứ năm, 16/04/2015 | 14:55
Đó là cách nói ví von của ông Đặng Xuân Tiếu – Trưởng Ban Thanh tra Hội trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Người Việt Odessa về những vụ việc tranh chấp, kiện cáo liên quan đến tài chính gần đây mà lãnh đạo Hội đang phải tham gia hỗ trợ bà con giải quyết.

“Đồng tiền chưa đi liền với khúc ruột”

Thông tin tóm tắt về các vụ việc, ông Tiếu cho biết: “Chỉ trong một thời gian ngắn mà chúng tôi liên tiếp nhận được yêu cầu giải quyết các vụ tranh chấp, kiện cáo liên quan đến tài chính. Tính chất của các vụ việc thì đều phức tạp, khó xử lý, mà lỗi thì ở chính cung cách làm việc ào ào, cẩu thả của mọi người. 
Ông bà mình đã dặn “Đồng tiền đi liền khúc ruột”, ấy vậy mà có những người giao tiền cho người khác nhưng phó mặc, không hề kiểm tra, giám sát. Đấy là trường hợp một số người Tây có cửa hàng buôn bán ở chợ, thuê người Việt đi thu tiền hàng, giữ tiền và thực hiện các công việc người Tây yêu cầu. Người Việt mình thì có uy tín và ưu thế về công việc này nên mấy người chủ Tây cũng tin tưởng, rồi cứ thế hai bên làm việc với nhau mà đến tận 1 năm không kiểm tra lại sổ sách, đối chiếu thu chi, công nợ. Sau 1 năm, tỷ giá tiền đã thay đổi quá nhiều, sổ sách cũng lung beng cả thì hai bên mới lôi nhau ra tranh chấp, kiện cáo. Nói thực, có muốn hỗ trợ giải quyết mấy vụ việc này chúng tôi cũng không biết căn cứ vào đâu vì thời gian đã quá lâu rồi. Trong một số trường hợp, do đồng grivna mất giá quá lớn nên người Tây bị thiệt nặng đã quay lại qui trách nhiệm cho người Việt mình.
Trong làm ăn, sự tin tưởng lẫn nhau là rất cần thiết, nhưng có không ít trường hợp sự tin tưởng đi quá xa đến mức “làm ẩu”. Ông Tiếu cho biết thêm về một vụ việc khác: “Vừa rồi xảy ra vụ việc đáng tiếc thế này, vợ chồng anh chị Thu Nam từ Kiev chuyển về Odessa sinh sống, làm ăn được 4 năm nay. Anh chị thường lấy hàng quần bò  của một số chủ hàng ở chợ rồi bán lại lấy lời. Cách đây ít lâu, anh chồng về Việt Nam, rồi cách đây mấy ngày chị Hoài Thu cũng nói có việc gia đình nên bay về Việt Nam. Các chủ hàng sau khi hỏi thông tin mới tá hỏa phát hiện ra vợ chồng anh chị đã bán hết tài sản, về hẳn Việt Nam sống và không quay lại nữa. Mỗi chủ hàng VN  bị vợ chồng chị Thu nợ từ 4 đến 7 ngàn đô, riêng một số người Tây số tiền lớn hơn mà chẳng có giấy tờ giao dịch gì cả, giờ không biết làm cách nào mà lấy lại được.”
Một vụ việc khác mà phóng viên chúng tôi tìm hiểu được, đó là một số người làm dịch vụ vận chuyển đã cho chủ hàng nợ phí chuyển hàng đến tận 2 năm. Sau thời gian đó, số tiền nợ đã lên đến con số quá lớn, chủ hàng lúc này làm ăn sa sút không còn khả năng trả nợ. Dù đã giữ lại chuyến hàng cuối cùng của chủ hàng để tự đem đi bán theo kí lô nhưng nhũng người làm dịch vụ kia cũng không thể lấy lại đủ số tiền mình đã bị nợ.
Từ những vụ việc trên đây, Ban Thanh tra Hội đưa ra khuyến cáo đối với bà con cộng đồng, đó là: Trong giao dịch, buôn bán cần có giấy tờ, chứng từ hợp lệ làm căn cứ giải quyết các vướng mắc về sau. Bà con chỉ nên tin tưởng làm ăn với những người mình đã hiểu rõ, có uy tín và trong suốt quá trình làm ăn với nhau vẫn cần thường xuyên kiểm tra, nắm bắt thông tin về nhau. Riêng về tài chính, bà con phải định kỳ đối chiếu sổ sách, quyết toán, chốt công nợ, nếu không thể làm hàng ngày thì phải làm hàng tuần, hàng tháng. 
Cuối cùng, Ông Đặng Xuân Tiếu nhắn nhủ với bà con: “Trong làm ăn, buôn bán, những rủi ro, thiệt hại là không tránh khỏi. Nhưng nếu chúng ta thận trọng hơn, tỉnh táo hơn, làm việc bài bản, chi tiết hơn thì sẽ hạn chế được những rủi ro, thiệt hại đó. Để xảy ra mất mát số lượng lớn tiền, hàng do chính cách làm việc cẩu thả, ào ào của chúng ta thì đó là điều chúng ta phải tự khiển trách. Mong rằng công việc kinh doanh, buôn bán của bà con thời gian tới sẽ thuận lợi và an toàn.”


P/v Người Việt Odessa

 


Đại sứ quán Việt nam tại Ucraina
Hàng Khô Việt Nam
Khai trương quán ăn Việt - Old Street
 

UnTeks Group

Dệt Kim Unteksgroup

PHÒNG CHẨN TRỊ Y HỌC CỔ TRUYỀN