Người Việt Odessa
Chia sẻ cộng đồng

Đôi điều về đại lễ Vu lan hay lễ xá tội vong nhân rằm tháng 7

Thứ sáu, 16/08/2013 | 11:18
Trong hệ thống tín ngưỡng Việt có nhiều đại lễ được thực hiện theo nghi thức truyền thống như Tiết lễ Nguyên Đán (Tết chính từ mồng 1 đến 3 tháng Giêng); Tết Thượng Nguyên (rằm tháng Giêng); Tết Hàn Thực (3 tháng 3 – cúng thức ăn nguội); Tết Đoan Ngọ (5 tháng 5 – giết sâu bọ); Tết Vu Lan (rằm tháng 7 – hay còn gọi Tiết lễ Xá tội vong nhân); Tết Trung Th

Trong bài này tôi chỉ nói về Tiết lễ Vu Lan hay cách gọi khác là Tiết “Xá tội vong nhân” để chúng ta dễ phân biệt “hai là một, một vẫn là hai” bởi căn nguyên của sự tích, nếu còn thời gian tôi sẽ nói đến nghi thức thờ cúng Tổ tiên của người Việt Nam ta xưa và nay.

Trước hết nói về hai chữ Vu-lan (chữ Hán: 盂蘭; sa. ullambana), được hiểu là lễ báo hiếu, là một trong những ngày lễ chính của Phật giáo Việt Nam. Lễ này trùng với Tết Trung nguyên của người Trung Quốc, và cũng trùng hợp với ngày Rằm tháng 7 Xá tội vong nhân của phong tục Á Đông. Vào những ngày này (kể từ 10 đến 20 tháng 7 âm lịch), mọi vong hồn phạm tội là tù nhân ở Địa ngục đều có cơ hội được xá tội, được thoát sinh về cảnh giới an lành. Theo tín ngưỡng dân gian, là ngày mở cửa ngục, ân xá cho vong linh nên có lễ cúng Cô Hồn (vào các buổi chiều từ giờ Thân đến cuối giờ Tuất – tức từ 15 đến 19 giờ) cho các vong linh không nơi nương tựa, không có thân nhân trên dương thế thờ cúng. Từ ý thức này đã được Đại thi hào Nguyễn Du đưa ra bài “Văn tế thập loại chúng sinh” đã được nhà chùa đưa vào đàn lễ cúng cô hồn tháng 7, nghe thơ không ai cẩm nổi nước mắt.

Tiện đây tôi cần nói mở rộng hơn với chữ Vu-lan là từ viết tắt của Vu-lan-bồn (盂蘭盆), cũng được gọi là Ô-lam-bà-noa (烏藍婆拏), là cách phiên âm Phạn-Hán từ danh từ ullambana. Ullambana có gốc từ động từ ud-√lamb, nghĩa là "treo (ngược) lên". Thế nên các đại sư Trung Quốc hay phương Đông cũng dùng từ Đảo huyền (倒懸), "treo ngược lên" cho từ Vu-lan, hoặc dùng từ Giải đảo huyền (解倒懸) là dịch ý theo mục đích của Kinh Vu-lan-bồn. Thật ra, từ Giải đảo huyền được các đại sư lấy ý từ câu: Dân chi duyệt chi do giải đảo huyền dã trong Mạnh Tử, chương 3 Công Tôn Sửu Thượng. Chỉ sự giải thoát cho những kẻ khổ sở tột cùng ở cảnh giới Địa ngục.

Truyền thuyết

Theo Kinh Vu Lan xuất phát từ truyền thuyết về Bồ Tát Mục Kiền Liên (miền Bắc gọi Ngài là Mục Càn Liên), Ngài là người đại hiếu đã cứu mẹ của mình là Thanh Đề ra khỏi kiếp ngạ quỷ đọa đày Địa ngục. Vì thế có chữ Vu Lan quy định cho ngày lễ hằng năm để các bậc làm con, cháu, chắt tưởng nhớ công ơn tổ tiên, ông bà và cha mẹ - cha mẹ của kiếp này và của các kiếp trước theo vòng luân hồi là hôm nay tôi nhân xưng người con của họ A nhưng vẫn được “báo hiếu” họ B vì kiếp trước tôi là người con của họ B này – cho nên lễ Vu Lan cũng có nghĩa “cầu cho sự báo hiếu dây chuyền” để giải thoát cho nhiều cô hồn (của các dòng họ) do phạm tội, lỗi và đang bị giam giữ tại địa ngục được siêu sinh, tịnh độ (giải thoát).

Kinh Vu Lan kể rằng ngày xưa có Bồ Tát Mục Kiền Liên đã tu luyện thành công và đạt nhiều phép thần thông. Ông có người mẹ là bà Thanh Đề vì gây nhiều nghiệp ác nên khi chết phải bị đày ngục ngạ quỷ, bị hành hạ đói khát, khổ sở vô cùng. Kể từ ngày mẹ qua đời, ông tưởng nhớ không nguôi và muốn biết bây giờ vong hồn mẹ đang ở đâu và sống như thế nào nên ông dùng phép “Thông nhãn, nhĩ, tâm” nhìn khắp trời đất để tìm mẹ. Ông nhận thấy mẹ bị phạm tội rất nặng, nhưng vẫn nguyện đem cơm xuống tận cõi quỷ để dâng mẹ. Thấy mẹ mình bị bỏ đói lâu ngày nên khi được ăn, mẹ ông vẫn khởi lòng tham là dùng một tay che chắn bát cơm không cho các cô hồn khác đến tranh cướp, vì vậy khi thức ăn đưa lên miệng đã hóa thành lửa đỏ cháy xém cả mặt người.

Thật đau lòng cho mẹ ông là được ăn mà không thấm vào lòng dạ. Mục Liên quay về tìm Phật để hỏi cách cứu mẹ, Phật dạy rằng: "Dù ông thần thông quảng đại đến đâu cũng không đủ sức cứu mẹ, chỉ có một cách nhờ hợp lực trợ duyên của chư tăng khắp mười phương mới mong giải cứu được. Ngày rằm tháng bảy là ngày thích hợp để cung thỉnh chư tăng, hãy sắm sửa lễ cúng vào ngày đó".

Làm theo lời Phật dạy, mẹ của Bồ Tát Mục Liên đã được giải thoát. Qua câu chuyện này, Phật cũng dạy chúng sinh rằng: Ai muốn báo hiếu cho cha mẹ và tổ tiên cũng theo cách này (Vu-Lan-Bồn Pháp). Từ đó, ngày lễ Vu-lan ra đời.

Truyền thống và lễ nghi (Hai là một, một vẫn là hai):

Trong một số nước Á Đông, ngày lễ Vu Lan thường được tổ chức vào ngày 15 tháng 7 (âm lịch), để tỏ lòng hiếu đễ với cha mẹ, ông bà, tổ tiên thì tu sĩ (nhà sư) cùng phật tử tụng kinh Vu Lan – nội dung kinh chủ yếu nhắc đến câu chuyện như trên sự tích đã nêu – thường theo nghi thức nhà chùa có làm các khóa lễ “Tấu Phật”, “Chúc Thực”, “Độ nghiệp” và “Bố thí”, còn gọi là “Thí thực” - ở khóa cúng thí thực này thường diễn ra với mọi đàn cúng tế trong ngày thường là “Sáng chiêu, chiều mộ” – vừa mộ Phật, vừa chiêu độ chu cấp thức ăn cho vong linh không nơi nương tựa, cho nên mọi đàn cúng lớn càng có lễ thí thực tương đương với quy mô đàn cúng. Ở đây, lễ Vu Lan có phần kết là đại lễ thí thực lớn nhất trong năm. Lễ này được tách riêng phần cuối là “chiêu đãi các vong linh xong” sẽ tập trung về nơi “phán xử tội đồ và hành vi của họ” trong đàn “Mông Sơn Thí Thực” – dịch nghĩa là đàn cúng cho vong ăn xong rồi mới xử tội, trong xử tội ngày rằm tháng 7 có điều kiện duy nhất là “được giảm các tội ở mức ân xá” – giống như hàng năm ở Việt Nam cũng có dịp ân xá cho tội nhân trần gian được giảm án nhân ngày Quốc Khánh mùng 2/9 là một cơ hội tốt cho kẻ hoàn lương (nhiều nước cũng làm như vậy). Có lẽ căn cứ vào ngày “Xá tội vong nhân rằm tháng 7” có ảnh hưởng đến nhiều quốc gia phương Đông (có cả phương Tây) cũng đưa ra các quy định lấy ngày đặc biệt như ngày Quốc Khánh để dành cơ hội giảm án hoặc ân xá (tha tội) cho những tù nhân có tiến bộ trong cải tạo.

Từ đây chúng ta hiểu rằng Lễ Vu Lan là một đại lễ báo hiếu, nhằm giáo dục mọi người biết cách cảm ơn cha mẹ và tổ tiên. Mặt hai của đại lễ này là do có Lễ Vu Lan mà các vong hồn có tội, vong hồn không nơi nương tựa sẽ được cấp phát ăn, uống, mặc, dụng và sẽ được hưởng ân xá các tội đã mắc – nặng thành nhẹ - nhẹ thì được tha – tha rồi sẽ đi về đâu? Cũng theo kinh Phật thì các vong linh này sẽ được “chuộc điểm luân hồi” đi vào đầu thai ở kiếp khác, hoặc lại được “rộng đường phù độ cho con cháu của họ đạt công thành danh toại”...

Tại Việt Nam, việc cúng Rằm tháng Bảy bao giờ cũng phải cúng ở chùa trước, rồi mới đến cúng tại gia. Lễ này thường được làm vào ban ngày, tránh làm vào ban đêm, phải thực hiện khi còn mặt trời, vì đêm xuống dưới âm sẽ đóng cửa ngục, việc cúng lễ sẽ bị “vô thừa nhận” – không có vong nhận đồ lễ.

Đôi điều về đại lễ Vu lan hay lễ xá tội vong nhân rằm tháng 7

Vào ngày này, mọi gia đình đều cúng hai mâm: Một mâm lớn cúng tổ tiên tại bàn thờ chính và một mâm cúng chúng sinh (cúng thí thực hay cúng cô hồn) ở sân trước nhà hoặc trên vỉa hè (nếu nhà trên mặt đường phố rộng), thời gian cúng có thể là vào buổi sáng, trưa hoặc chiều. Trên mâm cúng tổ tiên, gia đình bày đặt một mâm cỗ mặn, tiền vàng và cả những vật dụng dành cho người cõi Âm làm bằng giấy tượng trưng từ những vật truyền thống (giống như đồ thật) như mũ, ngựa, quần áo, giày dép...ngày nay người ta lại suy ra thêm nhiều hiện vật là tivi, tủ lạnh, máy giặt, phương tiện giao thông, người giúp việc ... đến những vật hiện đại như nhà cao tầng, quạt điện, điều hòa, di động, IPhone... để cho người cõi Âm có được một cuộc sống tiện nghi giống như người Dương thế. Những đồ lễ đó thường được làm tại một cơ sở sản xuất rồi được xe máy chở đi khắp các tỉnh thành cung cấp cho người tiêu dùng (việc đốt đồ mã có đúng hay sai chúng tôi sẽ nói ở những bài khác, vì đây là nghi thức truyền thống được kê biên như vậy)

Trên mâm cúng chúng sinh thì lễ vật gồm có: quần áo chúng sinh với nhiều màu sắc (xanh lam, xanh lá mạ, vàng, hồng...), các loại bỏng ngô, chè lam, kẹo vừng, kẹo dồi, bánh quế, cháo, tiền vàng, cốc nước lã hoặc rượu (có thể thêm nước ngọt, bia nếu có điều kiện), cốc gạo trộn lẫn với muối (cốc này sẽ được rắc ra vỉa hè hoặc sân nhà về bốn phương tám hướng sau khi cúng xong), ngô, khoai lang luộc, cháo hoa... và những lễ vật khác dành cho những cô hồn, ma đói không nơi nương tựa. Nếu ở chùa khi cúng chúng sinh xong người ta thường gọi những đứa trẻ xung quanh đến rồi cho chúng cùng ùa vào tranh cướp những vật cúng đã bày trên mâm chúng sinh như bỏng, oản...đám trẻ này tượng trưng cho những cô hồn...

Riêng ở nước ta, người dân thường tổ chức cả hai lễ ấy vào cùng ngày Rằm tháng 7. Chỉ có điều, người phía Bắc thì trọng ngày Xá tội vong nhân hơn còn miền Trung và miền Nam thì đề cao lễ Vu Lan báo hiếu.

Bông hồng cài áo

Dù là ngày lễ đặc trưng của người Á Đông nhưng ở nước ta, có một phong tục rất cao thượng vào lễ Vu Lan mà không ở đâu có được. Người Việt quy ước, vào ngày Rằm tháng bảy, ai còn mẹ thì sẽ cài một bông hồng màu đỏ lên ve áo, ai đã mất mẹ thì cài hoa hồng trắng. Người cài hoa sẽ thấy như một sự nhắc nhở, sẻ chia, không bao giờ quên công ơn cha mẹ. Ý tưởng này được hòa thượng Thích Nhất Hạnh đề xuất những năm 1960 thực sự trở thành một nét đẹp nhân văn cao cả, đầy ý nghĩa.

Ở phương Tây cũng có ngày lễ giống Xá tội vong nhân?

Thực ra, không chỉ người Á Đông mà trên thế giới lễ cúng cô hồn tương tự ngày Xá tội vong nhân cũng tồn tại. Đó là lễ hội Halloween mà nhiều người chỉ biết là lễ hội hóa trang ma quỷ. Bản chất thì những hoạt động hóa trang trong ngày lễ này chỉ là do người đời sau thêm vào, còn khởi nguồn của ngày Halloween có rất nhiều điểm tương đồng với ngày Xá tội vong nhân, nhất là ở sự ra đời và ý nghĩa nguyên thủy.

Đôi điều về đại lễ Vu lan hay lễ xá tội vong nhân rằm tháng 7

Lễ hội Halloween (nghĩa là Ma lộ hình) này có từ thời của người Celts cổ, diễn ra vào 31/10 dương lịch. Người phương Tây cổ cho rằng, vào đêm cuối tháng 10, cánh cửa địa ngục sẽ mở ra, ma quỷ từ đó sẽ thoát lên trên trần thế giống như những linh hồn phương Đông. Đặc biệt, chúng rất thích trêu ghẹo, phá phách cuộc sống của người dân. Cũng vì thế mà trong lễ hội này, tập tục đốt lửa, hóa trang thành “muôn hình vạn trạng” là không thể thiếu để xua đuổi ma quỷ, tránh bị chúng làm phiền.

Theo nhiều tài liệu, đây vốn là nét văn hóa truyền thống của người Ireland, Scotland và xứ Wales cổ. Theo thời gian, nó dần trở nên phổ biến toàn cầu với nhiều hoạt động như hóa trang, "trick or treat"… như ngày nay.


Họa sĩ, nhà văn, nhà báo : Trịnh Yên
Giám đốc Trung tâm UNESCO Nghiên cứu Văn hóa Các dòng họ VN
Giám đốc Trung tâm UNESCO Nghệ thuật tạo hình VN


Đại sứ quán Việt nam tại Ucraina
Hàng Khô Việt Nam
Khai trương quán ăn Việt - Old Street
 

UnTeks Group

Dệt Kim Unteksgroup

PHÒNG CHẨN TRỊ Y HỌC CỔ TRUYỀN