Người Việt Odessa
Chia sẻ cộng đồng

Tản mạn về một gia đình người Việt ở Odessa

Chủ nhật, 04/08/2013 | 09:36
Cho dù có khó khăn đến mấy nhưng gia đình vẫn đưa việc học của các con lên hàng đầu. Dù bận bịu nhưng cô chú luôn đưa đón các em đi học, quan tâm và tạo mọi điều kiện cho các em. Hơn nữa cô chú cũng luôn hướng cho các em về với cội nguồn, phải hiểu tiếng Việt và văn hóa Việt.

Dọc con đường Balkovskaya có khá nhiều hộ gia đình người Việt sinh sống. Cũng bắt nguồn từ 25 năm về trước khi nhà máy giầy da còn hoạt động thì số nhà 35 năm là nơi sinh hoạt của hàng trăm công nhân Việt Nam. Sau này, có cuộc sống và gia đình riêng, nhưng nhiều người vẫn quen với góc phố, con đường nên vẫn tiếp tục sống trên con phố đó.

Dừng chân ở số 193, đi qua dưới hàng cây xanh mát chúng tôi đến gia đình cô chú Long Xuân. Một căn hộ 4 phòng tuy nhỏ nhắn mà ấm cúng. Ngồi xuống ghế sô-pha ở phòng khách, chủ nhà mời tôi những chiếc bánh nhân pho mát nóng hổi mà cô vừa rán. Chúng tôi thấy chiếc đàn piano khiêm tốn đặt ở góc phòng, trên tủ trang trí nhiều đồ mĩ nghệ nho nhỏ của Việt Nam, ở một góc tường treo nhiều tấm bằng khen của các em.

Chú Long nguyên là cựu sinh viên trường Tàu tốt nghiệp năm 1991. Cô Xuân đã làm việc trong nhà máy giầy da cũ. Gia đình cô chú Long Xuân có một bé trai và một bé gái. Cậu con trai tên Phạm Thế Cường. Em sinh năm 1992, em vừa nhận bằng cử nhân và chuẩn bị học lên Thạc sĩ theo chuyên nghành Hóa – Sinh của trường đại học Tổng hợp Taras Shevchenko.

Khi còn học phổ thông, em Cường luôn đạt giải trong rất nhiều cuộc thi học sinh giỏi từ năm lớp 7. Nổi bật nhất là giải 3 Olympic Hóa toàn tỉnh Odessa năm lớp 9, giải Nhì môn Hóa toàn thành phố Odessa năm lớp 11. Và rất nhiều tấm bằng tuyên dương của Đại sứ quán, của hội người Việt Odessa.

Với một bản lý lích dầy đặc những giải thưởng nhưng em Cường luôn rất khiêm tốn và ngại ngần khi nói về những thành tích của mình. Những tấm bằng khen mà chính em còn không nhớ, vẫn được bố mẹ trân trọng đặt trong khung kính. Trong ngày lễ tốt nghiệp phổ thông, không chỉ em mà cả bố mẹ em cũng được nhà trường trao tặng bằng khen. Những lời cảm ơn của nhà trường vì bố mẹ em đã cho họ một học sinh xuất sắc chính là món quà ý nghĩa nhất dành cho bậc sinh thành- mẹ em đã thực sự xúc động khi kể với chúng tôi kỉ niệm ấy.

Tâm sự với chúng tôi về việc chọn ngành học của em, ngành Hóa- Sinh không phải là con đường mà bố hướng đến cho em. Nhưng với tình yêu môn Hóa, cũng như niềm đam mê nghiên cứu khoa học đã tiếp bước cho em. Em tự nhận mình là một học trò may mắn khi có nhiều thầy cô dạy phổ thông rất tốt, trong đó em đặc biệt yêu quý cô giáo dạy hóa của mình. Mẹ em nói: “ Cô là người đã khơi dậy niềm đam mê học tập, và luôn nhận định em có phẩm chất của một nhà khoa học tương lai”.

Gần đây nhất, bổ sung vào thành tích học tập của mình em đạt được giải ba trong hội thảo toàn cầu về những vấn đề Hóa học hiện đại. Đề tài của em là nghiên cứu để tạo ra 20 hợp chất mới. Đây là đề tài em say mê nghiên cứu từ cuối năm thứ 2, và mãi đến năm thứ 4 mới có kết quả. Điều đó thể hiện một sự kiên trì sau nhiều ngày miệt mài trong phòng thí nghiệm. Công trình nghiên cứu của em đã được quốc tế công nhận, các hợp chất Hóa học mà em tạo ra, vẫn được tiếp tục nghiên cứu để sớm có thể ứng dụng vào thực tiễn.

Cuộc nói chuyện cởi mở đã khiến cho chúng tôi hiểu nhiều về em Cường. Có lẽ đức tính đáng quý nhất ở em là sự khiêm tốn và tính tự lập. Tuổi 17 một mình lên Kiev, sống trong kí túc xá, em luôn tự nấu ăn, tự giác học tập. Và em còn đi dạy thêm cho các em nhỏ, vừa để giúp bố mẹ phần nào, vừa để truyền đam mê học tập cho các bạn nhỏ. Tuy đã gặt hái được những thành công không nhỏ, nhưng con đường phía trước của em còn rất dài. Em dự định sẽ còn học lên bậc tiến sĩ tại Anh hoặc Pháp.

Nối bước cha anh, em gái nhỏ Phan Mỹ Linh, chuẩn bị học lên lớp 9 trường chuyên số 4. Năm học vừa rồi em cũng đạt 4 giải thưởng cấp quận cho các môn tiếng Anh, tiếng Pháp, Địa lý và đặc biệt là tiếng Ucraine - là một môn khó đối với chính người bản địa. Ngoài ra, em còn say mê với những phím đàn piano. Em ước mơ lớn lên được làm nhà báo.

Dù sinh ra và lớn lên ở đây, nhưng các em nói tiếng Việt tốt và ứng xử nề nếp như trẻ em Việt Nam. Tự hào về hai người con, cô chú Xuân Long tâm sự :” Cho dù có khó khăn đến mấy nhưng gia đình vẫn đưa việc học của các con lên hàng đầu. Dù bận bịu nhưng cô chú luôn đưa đón các em đi học, quan tâm và tạo mọi điều kiện cho các em. Hơn nữa cô chú cũng luôn hướng cho các em về với cội nguồn, phải hiểu tiếng Việt và văn hóa Việt”.

Cuộc sống hơn 20 năm lăn lộn xứ người, dù với bao vất vả nhọc nhằn, cô chú luôn sống tốt và thực thi pháp luật, những tưởng rằng giờ đây cũng đã được yên ổn. Vậy mà hai năm gần đây, gia đình cô chú gặp khá nhiều biến cố. Đầu tiên phải kể đến sự cố về giấy tờ từ năm 2011. Vào năm 2002 khi Luật đinh cư ra đời, trong vòng 6 tháng những công dân Việt Nam sang Ucraina theo dạng hiệp định lao động giữa hai nhà nước đến phòng định cư viết đơn sẽ được nhận thẻ định cư. Do sự chậm chạp trong văn bản hướng dẫn thi hành Luật định cư nên sau một năm cô chú Long Xuân mới nhận được thẻ định cư. Sau mười năm sinh sống, chính quyền mới họ quy cho mình vi phạm về thời gian nộp đơn xin nhận thẻ định cư nên giấy tờ của cô chú bị hủy. Cô chú đã đâm đơn kiện Sở cư trú tỉnh Odessa. Sau gần 2 năm và nhiều lần lên xuống các phiên hầu tòa sơ thẩm rồi phúc thẩm, cô chú là người Việt Nam đầu tiên ở đây đi khiếu kiện và đã thắng kiện. Và công bằng luôn đứng về bên chính nghĩa, cô chú cũng như nhiều gia đình Việt Nam khác đã được cấp lại giấy tờ.

Vẫn chưa dừng ở đó, cũng năm 2011, sau khi hoàn thành nghiêm chỉnh thủ tục pháp lý về việc mua một căn hộ gần biển. Cô chú cũng gặp rắc rối khi người bán căn hộ đang nợ tiền của một đại tá quân đội. Và khối tài sản đó lại bị liệt vào tài sản đang bị tranh chấp. Không nao núng, vì mình luôn thực thi theo pháp luật, chú Long lại vững vàng hầu tòa. Nhưng phiên tòa chỉ xét đến vòng phúc thẩm, thì bên khiếu kiện rút đơn.

Khó khăn đã qua, và cuộc sống yên bình trở lại trong căn nhà đầy tiếng cười đùa của cô Xuân và các em cùng với bà Tây mà cô luôn gọi là mẹ. Cầu chúc cho những mái ấm như vậy luôn được an lành trên đất người, chúc cho những mầm non đang sinh sôi và trưởng thành trong đó đến một ngày kia vươn mình trở dậy, tỏa bóng mát xanh cho đời.

P/S:Qua báo Người Việt Odessa, cô chú Long Xuân gửi lời chân thành cám ơn đến BCH Hội người Việt Nam tỉnh Odessa đã tạo mọi điều kiện giúp đỡ gia đình cô chú trong khoảng thời gian vô cùng khó khăn của hai năm qua. Qua sự việc này, cô chú thấy rõ vai trò của tổ chức Hội và trách nhiệm của cán bộ Hội rất nặng nề đặc biệt là trong tình hình hiện nay. Cô chú Long Xuân xin chúc Hội người Việt Nam luôn đoàn kết cùng nhau vượt qua khó khăn và mong rằng cán bộ Hội cũng như hội viên luôn đặt quyền lợi cộng đồng lên trên lợi ý cá nhân.

PV báo người Việt Odessa